Kế hoạch SEO tổng thể phần 3: tối ưu on-page
|Qua 2 phần trước, mình đã hướng dẫn cho các bạn biết chi tiết các bước làm seo cho một kế hoạch seo tổng thể, dành cho website mới hoặc bất kỳ website nào một cách an toàn, tăng hạng bền vững mà không lo sợ tụt hạng mỗi khi Google cập nhật các thuật toán mới, cụ thể như sau:
- Phân tích những điểm bất lợi của một website mới
- Tạo một biểu đồ cho một chiến lược seo an toàn
- Các xây dựng một bộ từ khoá
- Cách tìm kiếm phantom keyword
- Cách lấy từ khoá tiềm năng từ đối thủ
- Cách viết nội dung chuẩn SEO và cách viết để thắng đối thủ
Trong bài viết này, mình tiếp tục đi tiếp phần tiếp theo trong kế hoạch seo tổng thể, đầu tiên chính là tối ưu website on-page, bắt đầu nhé
Tối ưu website on-page
Vậy tối ưu SEO on-page là gì nhỉ? Cái này hiểu nôm na làm làm cho những bài viết mình đã viết ra, những trang trong website mình xây dựng nó trở nên thân thiện hơn, dễ dàng hiểu hơn, không những vậy, nó còn giúp con Bot tự động của Google biết bạn đang muốn làm gì, seo từ khoá gì, seo ngành nghề gì và chiến lược seo của bạn có đúng đắn không nữa
Nếu bạn đã làm quen qua nhiều dự án SEO, bài viết này thực ra có phần hơi giống với phần 2 của loạt bài kế hoạch seo tổng thể này, tuy nhiên, nó sẽ thêm một số phần mở rộng cho các trang, các danh mục và tổng thể trang web nữa, cùng xem qua kinh nghiệm SEOLabs đã thực hiện tối ưu những phần sau nhé:
Từ khoá làm SEO
Khi bạn làm SEO, hãy luôn có một từ khoá chính cho bài viết mà bạn định viết, không thì bạn không phải là đang làm SEO nữa rồi, khi đã xác định được từ khoá chính, hãy dùng từ khoá này độc nhất cho một bài viết thôi, đừng sử dụng lặp lại
Ví dụ: như bài viết đầu tiên, bạn đã viết bài với từ khoá lập kế hoạch SEO tổng thể cho website mới, thì bài thứ 2 nếu muốn dùng lại từ khoá này, hãy khéo léo sử dụng bằng cách một là rút ngắn hơn, hai là dùng từ liên quan, cũng như bạn thấy phần 1 trong loạt bài này, mình ghi là lập kế hoạch seo tổng thể cho một website mới, bài thứ hai mình ghi là kế hoạch SEO tổng thể cho website mới, vậy bài thứ 3 thì sao, nó sẽ là kế hoạch seo tổng thể.
Tiêu đề của bài viết
Đối với tiêu đề bài viết, đây là phần cực kỳ quan trọng, nó sẽ quyết định người đọc có xem bài viết của bạn hay không, Google có cho bạn xếp hạng cao theo từ khoá mong muốn hay không, và hơn nữa, nó giúp người dùng hình dung được tổng thể bài viết của bạn đang nói về cái gì.
Vậy đối với tiêu đề, hãy nên và nên làm những điều sau:
- Chỉ nên dài khoảng 11-12 từ
- Minh hoạ toàn bộ ý của bài viết
- Khéo léo chèn từ khoá làm seo vào ngay đầu tiên, ví dụ như bài viết mình đang viết nè, chính xác mình đang nhắm đến từ khoá kế hoạch seo tổng thể, nên mình đưa hẳn nó ra đầu tiên luôn, nhưng không phải lúc nào cũng làm được, có một số từ khoá đưa ra đầu tiên rất khó nha, cứ làm nhiều bạn sẽ thấy.
URL của bài viết
Mỗi bài viết đều có một URL đúng không, chắc chắn phải có rồi, một URL mà tối ưu thì công cụ tìm kiếm rất thích, vì nó giống như cái cầu nối công cụ tìm kiếm, website và người dùng, vậy viết URL sao cho tối ưu, bạn chỉ cần lưu ý những điểm sau:
- URL không nên quá dài, càng ngắn gọn càng tốt
- Trong URL ráng chèn từ khoá cần seo vào, nhưng không cần cứng nhắc quá nhé
- Bỏ những từ vô nghĩa trong URL đi, ví dụ: bài viết của bạn có tiêu đề là “Kế hoạch seo tổng thể cho website mới”, thì URL nó tự phát sinh ra sẽ là “http://tenmien.com/ke-hoach-seo-tong-the-cho-website-moi”. Như vậy thì URL chưa được gọi là tối ưu, bạn có thể sửa nó thành “http://tenmien.com/ke-hoach-seo-tong-the” vậy là đủ rồi đúng không, người dùng họ sẽ không đọc cái url của bạn đâu, nhưng công cụ tìm kiếm thì nó sẽ hiểu bạn đang muốn từ khoá kế hoạch seo tổng thể lên top đấy
- Mỗi bài viết, nên gắn vào 1-3 link trỏ về các trang có độ uy tín cao, nhưng nội dung phải thật liên quan nhé
- Nên gắn vào khoảng 2-3 link các bài viết cùng trong web của bạn (nó gọi là internal link), và nội dung cũng phải liên quan với nhau nhé
Thẻ Heading h1, h2, h3, h4, h5, h6
Trong SEO thì các thẻ này khá quan trọng, nó thường được Google lấy nội dung nhanh nhất, vì thế, các tối ưu nhất là bạn có thể chèn từ khoá cần SEO vào những thẻ này.
Tuy nhiên, đừng chèn lặp đi lặp lại có mỗi cái điệp khúc giống nhau, nó sẽ không có tác dụng đâu, ví dụ trong một bài viết bạn có 6 dòng heading, thì khéo léo chèn vào 2-3 lần là tối đa thôi nhé
Còn lại, những heading không có từ khoá chính, thì hãy sử dụng từ khoá liên quan.
Và tuyệt vời hơn, hãy dùng các thẻ heading này để làm từ khoá anchor internal nhé, chính xác thì hãy làm nó thành những cái mục lục như trong các bài viết mà SEOLabs hay làm nè
Hình ảnh của bài viết
Đối với hình ảnh của bài viết, không quá khó để chọn một tấm hình minh hoạ cho bài viết mình chuẩn bị xuất bản đúng không, tuy nhiên, hãy lưu ý những điều sau để hình ảnh bạn sử dụng sẽ được gọi là tối ưu nha:
- Trong mỗi bài viết, hãy có ít nhất 1 hình ảnh
- Trong hình ảnh này, phải có thẻ alt, nội dung của thẻ alt nên chèn từ khoá liên quan đến từ khoá chính
- Ít nhất có một hình gắn link trỏ vào một trang liên quan có độ uy tín cao
- Nếu có thời gian, hãy gắn logo hoặc tên miền trên hình ảnh để tận dụng tìm kiếm hình ảnh của Google nhé
- Đừng upload hình ảnh lên một cách vô tội vạ, hãy dùng những công cụ chỉnh sửa hình ảnh, sửa sao cho đẹp, sau đó lưu lại với kích thước nhỏ nhất có thể nhưng chất lượng không giảm
- Hình ảnh nên có kích thước tối đa 1200pixel cho hình trong bài viết, và 1600 cho hình đại diện là ok, kích thước thì không nên vượt quá 200 KB để không ảnh hưởng đến tốc độ tải
Để nắm rõ hơn về tối ưu hình ảnh, bạn có thể tham khảo thêm đoạn video clip bên dưới của một bạn tên Việt trên Youtube nhé
Thẻ Meta Description
Thẻ Meta Description là gì, đầu tiên bạn hãy xem khung đỏ hình bên dưới để biết chính xác nó là gì đã nhé
Đối với thẻ meta description này, nếu bạn để ý một chút sẽ phát hiện ra là nó được bold đậm với từ khoá bạn tìm kiếm, nhưng trên tiêu đề thì không. Theo mình thì thẻ này khá là quan trọng sau thẻ tiêu đề, vì nó có một cái hay là sẽ hỗ trợ nội dung rất đắc lực cho tiêu đề chính, và nó có thể thay đổi nội dung tuỳ theo người dùng tìm kiếm cái gì.
Nhưng về cơ bản, nếu bạn sử dụng wordpress và xài plugin Yoast, bạn sẽ được chỉnh sửa the meta description này, vậy viết thẻ này như thế nào để được gọi là tối ưu, hãy lưu ý những điểm bên dưới nhé:
- Viết trong khoảng 30 chữ trở lại là đủ
- Mô tả tổng thể những đặc trưng mà tiêu đề nói đến. Ví dụ ở hình trên, tiêu đề của mình là Kê hoạch seo tổng thể cho website mới… thì trong phần meta description, bạn hãy giải thích kế hoạch seo tổng thể này đạt được điều gì, là để làm gì, làm cho ai xem và làm trong bao lâu.. hãy trả lời những câu hỏi như vậy thì người dùng khi đọc vào sẽ nắm bắt được nội dung của mình và sẽ gia tăng được phần nào độ uy tín nữa đấy
Nội dung của một bài viết
Nội dung, nội dung, tất cả SEO đều là về nội dung, có nội dung thì có từ khoá, có nội dung thì xuất hiện kiến thức, có kiến thức thì phát sinh nhu cầu tìm kiếm, mà tìm kiếm thấy trang web có nội dung hay thì nó thành lượng khách truy cập, có khách truy cập thì có hạng cao, có hạng cao thì có nhiều khách hơn nữa và có doanh thu. Như vậy, nội dung là quan trọng hàng đầu, đó là lý do Google gọi vui vui là “Content is King”, tạm dịch nội dung là vua
Vậy để làm một kế hoạch seo tổng thể, bạn nên làm gì với nội dung nào? Câu trả lời là không những làm gì, mà còn phải có cả một kế hoạch với nó nữa, viết nội dung nhiều, thì mật độ từ khoá sẽ phong phú, có nghĩa là bạn sẽ xúât hiện nhiều hơn trên Google, vậy sử dụng nội dung ra sao để được gọi là tối ưu on-page, bạn hãy lưu ý những điểm sau:
- Mỗi bài viết làm seo, hãy viết bài dài, từ 700-2,500 từ là hợp lý
- Mỗi đoạn, hãy viết trong khoảng 20-50 từ
- Khi viết một thẻ Heading, theo sau đó đừng viết quá 300 từ
- Tránh sai lỗi chính tả
- Hãy nghiên cứu đối thủ trước khi viết, đối thủ viết 1000 từ thì bạn hãy viết ít nhất 1200 từ
Tốc độ tải trang web
Tốc độ tải trang web là một trong những yếu tố mà Google công khai sẽ sử dụng để xếp hạng. Vì thế, khi làm seo, hãy luôn tối ưu tốc độ tải trang trong khoảng 3 giây là tải xong toàn bộ rồi nhé.
Để được gọi là tối ưu cho trang web, tốc độ tải nên nhanh nhất có thể, mà để làm được như vậy, tất cả các đoạn code đều phải ngắn gọn, nhẹ, hình ảnh được tối ưu để càng nhẹ càng tốt
Sử dụng các plugin như cache, compress image để tối ưu trang tự động, từ đó sẽ giúp trang web tải nhanh hơn
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình, thì tốc độ tải lệ thuộc vào những yếu tố chính sau:
- Nơi đặt máy chủ: càng gần càng nhanh, hãy chọn máy chủ đặt ở nơi khách hàng của bạn sinh sống
- Theme, giao diện WordPress: hãy chọn thật kỹ trước khi quyết định mua một theme nào đó, mình thì yêu thích nhất vẫn là mythemeshop nhé, vì sao, vì họ quan tâm đến tốc độ trang web của bạn
Ngoài ra, bạn có thể dùng các công cụ như gtmetrix, pingdom để phân tích cụ thể trang web, từ đó sẽ có hướng khắc phục tốc độ tải một cách triệt để nhé
Sự thân thiện trên các thiết bị
Tiếp theo là sự thân thiện trên các thiết bị như pc, laptop, tablet, điện thoại thông minh. Phần này thì nói dễ thì nó không khó, nhưng nếu nói khó thì nó là một trong những phần khó nhất theo kinh nghiệm của mình. Vì sao, vì để đạt được sự thân thiện trên hàng loạt thiết bị ngày nay, website của bạn phải đạt được:
- Giao diện tối ưu trên mỗi loại thiết bị
- Chữ nghĩa dễ đọc, dễ xem và có kích thước phù hợp với các độ phân giải khác nhau
- Bố cục, layout của trang web phải có độ tuỳ biến cao và độ nhận diện thiết bị chính xác
- Hiển thị tốt luôn cả trên trình duyệt cũ và còn sử dụng đa số, ví dụ iphone 4, iphoen 5, iphone se..
- Và còn hàng đống các thứ khác như nút nhấn tuỳ biến cho click chuột hay cho touch bằng ngón tay, rồi cái gì tải trước cái gì tải sau
Nói chung sự thân thiện này đến với từng dự án web khác nhau, và nó phải có số liệu thống kê cụ thể để thực hiện. Dựa trên kinh nghiệm của mình, bạn có thể chú ý các điểm sau:
- Nếu bạn xài WordPress hay mã nguồn mở khác, hãy chắc chắn sử dụng tính năng responsive
- Trên một trang web có rất nhiều yếu tố như câu chữ, hình ảnh, banner, slideshow… hãy hiển thị vừa đủ và vừa đủ. Ví dụ: trên phiên bản laptop, bạn có một cái slideshow to đùng, và bạn có một cái popup banner nhảy lên để lấy thông tin người dùng, vậy thì trên phiên bản điện thoại, hãy tuỳ biến chỉnh cái slideshow nặng nề đó thành 1 tấm hình chẳng hạn, và tắt ngay cái chức năng popup khó chịu kia nhảy ra trên điện thoại, nếu popup mà nhảy ra trên điện thoại, nó không những không lấy được email người dùng, mà nó còn làm bạn mất luôn người dùng vì quá khó chịu nên tắt luôn cho lành
- Hình ảnh trong bài viết có thể tự tạo ra nhiều phiên bản, bản hiển thị trên laptop và bản hiển thị trên điện thoại là khác nhau, một số plugin như Regenerate Thumbnail có thể giúp bạn được phần này.
- Đặc biệt trên phiên bản điện thoại, hãy sử dụng triệt để tính năng AMP mà Google vừa xác nhận đây sẽ là một yếu tố để xếp hạng trên công cụ tìm kiếm, vậy AMP là cái gì, mời bạn đọc tiếp bên dưới nhé
Triển khai AMP
AMP là gì
AMP là viết tắt của cụm từ tiếp Anh: Accelerated Mobile Pages là trang tăng tốc cho thiết bị di động được cung cấp bởi chính Google, giúp quá trình trải nghiệm người dùng trên thiết bị di động nhanh đến mức “ngay lập tức” khi bạn click vào một kết quả trên công cụ tìm kiếm.
AMP hoạt động như sau: Thay vì việc bạn được đưa thẳng đến địa chỉ web thông thường, ví dụ khi bạn tìm kiếm trên Google cụm từ dài: lập kế hoạch seo tổng thể cho website mới
Trên máy tính sẽ hiển thị như sau:
Nhưng trên điện thoại, nó sẽ hiển thị như sau:
Ở đây bạn đã thấy sự khác biệt đúng không, Google sẽ để một cái Icon nhỏ trước đường dẫn của kết quả đó, để báo là mình có sử dụng tính năng AMP. Nhưng sự khác biệt thật sự ở đây không phải là cái Icon nhỏ xíu đó đâu, sự khác biệt ở đây là… bạn hãy thử tìm kiếm trên Google bằng điện thoại, sau đó nhấn vào xem sao nhé, mình chỉ nói ngắn gọn như vầy: tốc độ bạn nhìn thấy trang web của mình đang từ 2,8 giây sẽ thành 0,3 giây, hấp dẫn quá đúng không nào
Nên sử dụng AMP: giúp tăng tốc độ và cải thiện User Experience
Khi bạn tải một trang web mới, có rất nhiều thứ được thực hiện đồng thời. Trình duyệt của bạn sẽ cần tải trang HTML, sau đó đưa ra một danh sách những trang nguồn khác để tải. Ở một trang web thông thường sẽ bao gồm các CSS để làm cho mọi thứ hiển thị trở nên sinh động, tươi đẹp hơn, các hình ảnh, một hoặc hai phông chữ, và JavaScript để chạy quảng cáo và số liệu thống kê theo dõi trang.
Hiểu một cách đơn giản, một trang web thường sẽ có 2 phần chính đó là phần code (HTML/CSS/Javascript) và phần nội dung. Mỗi lần bạn truy cập thì cả phần code và phần nội dung đều sẽ được tải về và hiển thị nội dung lên trình duyệt để bạn xem. Mỗi một quá trình này đều tốn kha khá thời gian, đặc biệt nếu các trang nguồn đến từ các máy chủ riêng biệt.
Thật ra mỗi nguồn hay mỗi quy trình chỉ tốn khoảng 0,01 giây, nhưng quá nhiều nguồn và quá nhiều hoạt động sẽ khiến việc tải trang bị chậm. Đối với các website tham gia và tuân thủ AMP của Google, bạn sẽ nhận thấy trang được tải khá nhanh.
Nhưng không phải trang nào cũng tham gia và thỏa mãn các điều kiện của Google AMP. Khi tải bằng máy tính, những trang này có thể chạy rất mượt. Nhưng khi tải bằng trình duyệt điện thoại, bạn sẽ thấy có vấn đề về tốc độ. Ngay cả khi bạn có một kết nối internet đủ mạnh và nhanh, nó cũng vẫn sẽ tiêu tốn của bạn vài giây để tải trang. Bạn có thể nghĩ rằng thời gian đó không nhiều, nhưng nếu bạn đang cần gấp một thông tin nào đó, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất sốt ruột và bực mình với phản hồi bị trễ vài giây như vậy.
Triển khai AMP cho WordPress bằng cách nào
Nếu bạn sử dụng mã nguồn WordPress, triển khai AMP dễ hơn bạn tưởng rất nhiều (những mã nguồn khác hay tự code sẽ không đơn giản đâu nhé)
Cách mình triển khai cho blog SEO Labs đơn giản là cài thẳng một cái plugin tên AMP for WordPress, chỉ vài thao tác cài đặt là bạn đã hoàn thành triển khai tính năng AMP, nhưng cũng cần tối ưu giao diện cho AMP nữa nhé
Sử dụng SSL https
SSL là gì nhỉ, nó chính là cái định dạng https://tên miền của bạn mô tả rằng website của bạn thông tin khi truyền đi đã được mã hóa, an toàn cho người sử dụng.
Cách đây không lâu, Google đã công bố SSL chính là một yếu tố để xếp hạng trên công cụ tìm kiếm, vì thế SSL trở nên gần như không thể thiếu đối với bất kỳ website nào, vì thế nếu bạn đang tối ưu on page, chắc là sẽ không thê thiếu SSL rồi
May mắn thay, cài đặt SSL cũng không phải là khó lắm, và có một số nhà cung cấp còn cho phép bạn sử dụng miễn phí nữa, vì vậy hãy chắc chắn website của bạn có dùng SSL khi thực hiện tối ưu onpage, còn thực hiện chi tiết triển khai như thế nào, thì mình sẽ có một bài hướng dẫn riêng cho các bạn sau nhé
Chia sẻ lên các mạng xã hội
Trong quá trình thực hiện tối ưu on page cho webite, mục đích cuối cùng cũng vẫn là cho người dùng xem bài viết và hứng thú với bài viết của bạn, ngoài ra cũng giúp công cụ tìm kiếm dễ dàng tìm thấy nội dung của bạn hơn. Tuy nhiên, sau mỗi bài viết đã thực hiện tối ưu (thường thì mình làm quen rồi nên làm tối ưu nhất có thể các điều bên trên mình chia sẻ ngay khi viết luôn để tiết kiệm thời gian) hãy chia sẻ ngay lên các mạng xã hội nhé, vì nó là cách cực kỳ hữu hiệu để bạn lôi kéo người dùng xem bài viết vừa tối ưu lại của bạn.
Bên trên là tất cả những kinh nghiệm mình chia sẻ để các bạn có thể tự tối ưu onpage cho trang web của mình, phần tiếp theo thì hơi ngoài lề một tý nhưng lại cực kỳ quan trọng mà rất nhiều người bỏ qua khi làm seo, đó là Mạng xã hội, hãy đọc và thực hành bài này trước, rồi mình sẽ đi hết tất cả các kiến thức còn lại trong loạt bài này:
- Xây dựng thương hiệu trên Mạng xã hội
- Kỹ thuật viết nội dung trên Mạng xã hội
- Lên kế hoạch xây dựng backlink
- Cách tìm backlink chất lượng từ đối thủ
- Tổng kết về kế hoạch SEO tổng thể
Loạt bài này không viết nữa ah bác ơi?
Dạo này mình hơi bận nhiều dự án nên viết hơi chậm, nhưng vẫn tiếp tục viết tiếp bác nhé, cảm ơn bác
dạo này hết bạn chưa b ơi, viết bài nữa đia j